• mail_icon.svgconsult@asokalaw.vn
VN en
Bản quyền tác giả

Chuyên trang Asoka Law chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ bản quyền, hướng dẫn cách đăng ký, chuyển nhượng, sửa đổi các hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam và quốc tế.

Ai là tác giả và chủ sở hữu tác phẩm AI?

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc thường nhật đã để lại nhiều dấu ấn trong năm 2023. Không chỉ có khả năng phản hồi và trả lời gần như mọi câu hỏi, AI còn có thể vẽ tranh, viết truyện dựa trên các yêu cầu của người sử dụng. Thế nhưng ai là tác giả, chủ sở hữu của các tác phẩm AI thì vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trong năm 2023, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc thường nhật đã để lại nhiều dấu ấn. Chúng ta ắt hẳn đã được tiếp xúc hoặc ít nhất nghe qua về những trí tuệ nhân tạo hoạt động dưới dạng chatbot như ChatGPT, Copilot, Google Bard. Các chatbot này có khả năng phản hồi và trả lời gần như mọi câu hỏi, vẽ tranh, viết truyện dựa trên các yêu cầu của người sử dụng. Chính phủ Việt Nam mới đây cũng nhận định AI là công nghệ có tính đột phá và là mũi nhọn cho Cách mạng công nghiệp 4.0 trong 10 năm tới.

Ưu việt và vượt trội là vậy, nhưng câu hỏi đặt ra là các hình ảnh, văn bản, ... do ứng dụng AI như ChatGPT, Copilot, Dall-E tạo ra từ lệnh của bạn thì bạn có được coi là tác giả hay chủ sở hữu không? Hãy cùng Asoka tìm hiểu về vấn đề thú vị này dưới đây.

Ai là tác giả và chủ sở hữu tác phẩm AI?

Hình 1. Một bức tranh do AI với tên gọi Midjourney vẽ.

 

Các loại tác phẩm được hình thành từ AI

 

Có thể phân loại tác phẩm hình thành từ AI thành hai dạng, dựa trên mức độ tham dự của AI vào trong việc tạo ra (1) tác phẩm do máy tính hỗ trợ (Computer-assisted Works hay CAW) và (2) tác phẩm do máy tính thực hiện (Computer-generated Works hay CGW).

 

- Tác phẩm do máy tính hỗ trợ (CAW):

 

Tác giả sử dụng chương trình máy tính/AI như một công cụ hỗ trợ trong việc sáng tạo, ví dụ: tác giả sử dụng phần mềm Word để viết tiểu thuyết, tác giả sử dụng máy ảnh có tích hợp AI tự đồng nhận diện môi trường và điều chỉnh ảnh sáng phù hợp để chụp ảnh,...

 

- Tác phẩm do máy tính thực hiện (CGW):

 

Chương trình máy tính/AI tham gia phần lớn trong quá trình tạo ra tác phẩm, còn con người chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong quá trình đó. Ví dụ: bạn mở chatbot AI Copilot của Microsoft gõ lệnh “Hãy vẽ cho tôi một căn nhà”, kết quả Copilot trả ra là một căn nhà do chính AI này vẽ. Theo đó, bạn chỉ đặt câu lệnh (yêu cầu), còn AI là mới là chủ thể sáng tạo ra bức tranh đó.

 

Đi tìm tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đối của tác phẩm do AI thực hiện

 

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định mà không cần phải thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước (Điều 6 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022). Theo quy định này, tác phẩm do AI tạo ra có thể được coi là đối tượng bảo hộ quyền tác giả.

Có thể thấy, đối với các tác phẩm CAW, người sáng tạo và thể hiện tác phẩm dưới dạng một hình thức nhất định vẫn là tác giả/chủ sở hữu tác phẩm, chứ không phải AI. Trong khi đó, AI độc lập sáng tạo ra các tác phẩm CGW, còn con người chỉ đóng vai trò nhập lệnh hoặc nhấn nút để AI thực hiện. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ là tác giả/chủ sở hữu của các tác phẩm này. Có hai quan điểm phổ biến đang tranh cãi hiện nay.

 

Tác giả là người sử dụng AI hoặc chủ sở hữu/người phát triển AI

 

Tại Vương quốc Anh, vấn đề về các tác phẩm được tạo ra từ AI đã được đề cập trong Đạo luật Bản quyền, Kiểu dáng và Sáng chế năm 1988 (CDPA) tại Điều 9(3) như sau: “Nếu một tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật được tạo ra từ máy tính, tác giả sẽ là người tạo ra những sắp xếp cần thiết cho việc sáng tạo tác phẩm đó”. Ngoài Anh, Nam Phi và New Zealand cũng đồng tình với quan điểm này. Điều này có nghĩa là những nhà lập trình phát triển ra AI chính là tác giả của tác phẩm đó.

Trong khi đó, người sử dụng các chương trình AI hiện nay như ChatGPT, Midjourney khó có thể là tác giả của các tác phẩm do AI thực hiện do chỉ đóng vai trò nhỏ trong quá trình sáng tạo tác phẩm như đã đề cập ở trên.

 

Tác giả là chính chương trình máy tính/AI

 

Hiện nay chưa có quốc gia nào công nhận các chủ thể không phải con người như chương trình máy tính, AI hay động vật là tác giả của tác phẩm mặc dù các chủ thể này có thể đóng góp phần lớn “công sức” trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm.

Hãy cùng nhìn vào vụ kiện nổi tiếng Naruto v. Slater xoay quanh tác phẩm “Mokey Selfies” (Tạm dịch là “Chú khỉ tự sướng”). Năm 2011, David Slater – một nhiếp ảnh gia người Anh trong chuyến tác nghiệp tại một khu rừng ở Indonesia tình cờ bắt gặp một đàn khỉ và cố gắng chụp một vài bức ảnh từ đàn khỉ đó. Để chụp được đàn khỉ nhút nhát, Slater đặt máy ảnh trên tripod gần đàn khỉ, thiết lập thông số, và đi ra phía xa. Một chú khỉ được đặt tên là Naruto tiến lại gần và vô tình tự chụp hình của nó với máy ảnh của Slater. Đến năm 2015, Hiệp hội bảo vệ động vật (PETA) kiện Slater vì đã xuất bản một cuốn sách trong đó có hình ảnh của chú khỉ Naruto.

PETA cho rằng việc xuất bản sách này đã vi phạm quyền của chú khỉ Naruto, do bức ảnh là Naruto tự chụp mà không cần đến sự hỗ trợ của Slater. Tòa án Mỹ đã đưa ra kết luận rằng chú khỉ không có tư cách pháp lý nên không có cơ sở để khởi kiện về tranh chấp bản quyền của bức ảnh.

Ai là tác giả và chủ sở hữu tác phẩm AI?

Hình 2. Bức ảnh Naruto tự chụp chính mình bằng máy ảnh của Slater.

Một ví dụ khác là tác phẩm “A Recent Entrance to Paradise” (Tạm dịch “Lối vào thiên đường") của Tiến sĩ Stephen Thaler được tạo ra từ AI đã bị Văn phòng bản quyền Mỹ từ chối do tác phẩm không được tạo ra từ trí óc con người.

Ai là tác giả và chủ sở hữu tác phẩm AI?

Hình 3. Tác phẩm “Lối vào thiên đường”.

Tại Việt Nam, chỉ các cá nhân, tổ chức mới được pháp luật ghi nhận là chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ (Khoản 6 Điều 4 Luật SHTT).

Như vậy, chủ thể tạo ra tác phẩm không phải là con người hiện chưa được công nhận là tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm tại bất kỳ quốc gia nào.

 

Kết luận

 

Luật pháp của các nước trên thế giới có quan điểm khác nhau về việc xác định tác giả/chủ sỡ hữu tác phẩm. Một số quốc gia hướng đến việc ghi nhận nhà lập trình ra AI tạo ra tác phẩm sẽ là tác giả/chủ sở hữu tác phẩm đó. Một số quốc gia như Việt Nam thì chưa công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm do AI thực hiện. 

Cần lưu ý rằng các tác phẩm AI là một dạng chương trình máy tính có khả năng học hỏi liên tục từ kiến thức “sẵn có” của nhân loại. Các tác phẩm AI cũng được tạo ra từ những hình ảnh, tranh vẽ, nội dung đã có sẵn. Theo đó, dù các tác phẩm AI có khác biệt thể nào so với các tác phẩm trước đó, nó cũng chứa đựng các rủi ro phát sinh tranh chấp tiềm tàng.

Do vậy, khi pháp luật chưa quy định cụ thể về việc xác định tác giả/chủ sở hữu của tác phẩm AI, chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng các tác phẩm này.

Asoka IP sẽ tiếp tục cập nhật cho Quý Khách về vấn đề nêu trên ngay khi có quy định, thông tin mới.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ với ASOKA IP qua thông tin bên dưới để được các luật sư và chuyên viên của chúng tôi hỗ trợ kịp thời.

 

Thông tin liên hệ Asoka IP Law:
Khu vực Miền Bắc: 096 191 4328 (zalo/WhatsApp/telegram)
Khu vực Miền Nam: 0984 333 629 (zalo/WhatsApp/telegram)
Email: ipsupport@asokalaw.vn hoặc consult@asokalaw.vn

 

Bài viết được thực hiện bởi: Sean Nguyen - Chuyên viên Sở hữu trí tuệ của Asoka IP

Nhận tư vấn miễn phí các vấn đề pháp lý của bạn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
zalo-img.png
Đăng ký tư vấn
Họ và tên:
Điện thoại:
Email:
Vấn đề bạn cần tư vấn:
Dịch vụ bạn cần tư vấn: